Đại Đường hoàng đế Đường_Túc_Tông

Lên ngôi ở Linh Vũ

Cuối năm 755, An Lộc Sơn chính thức khởi binh tạo phản. Quân An thế lực lớn mạnh, thắng trận liên tiếp, lần lượt phá vỡ các chốt phòng thủ của nhà Đường, từ căn cứ ban đầu là Phạm Dương[17] chiếm được Lạc Dương rồi Đồng Quan. Đường Huyền Tông từng có ý đích thân xuất binh ra chống, nhưng Dương Quốc Trung tâu rằng thái tử có dã tâm lớn, không thể một lúc phó thác hết chính sự cho được. Huyền Tông bèn bỏ lệnh thân chinh.

Đầu năm 756, An Lộc Sơn xưng hoàng đế, lấy quốc hiệu là Yên[18]. Ngày Ất Mùi (13) tháng 6 (14 tháng 7) năm đó, Huyền Tông rời khỏi kinh thành Trường An, bỏ chạy về phía tây. Đến ngày Bính Thân hôm sau 15 tháng 7, do bất mãn với anh em Dương Quý Phi, các binh sĩ do Trần Huyền Lễ dẫn đầu đã giết Quốc Trung và ép Huyền Tông phải xử tử Quý phi ở Mã Ngôi Dịch[19]. Ban đầu Huyền Lễ có ý xin thái tử đứng ra giúp chuyện này, nhưng ông không dám làm.

Khi vua sắp bỏ về phía tây, các phụ lão ở Trường An ra sức níu giữ. Nhà vua bèn sai Lý Hanh ở lại an ủi dân chúng. Lúc đó, hoạn quan thân cận Lý Phụ Quốc cùng con trai thứ ba của Túc Tông là Kiến Ninh vương Lý Đàm lại khuyên ông không nên theo Huyền Tông vì nếu cả hoàng tộc đều bỏ trốn thì chẳng khác gì giao Trung Nguyên cho giặc. Lý Hanh tâu xin nhà vua, được chấp nhận, để Lý Hanh tiếp tục ở lại nhưng bản thân lại tiếp tục bỏ trốn. Từ đó Huyền Tông và thái tử rời khỏi nhau và lãnh đạo hai đội quân độc lập.

Quân đội do Lý Hanh chỉ huy (lúc bấy giờ chỉ có khoảng 2000 người) nhanh chóng đánh thắng được một số trận lớn, giành lại một số vùng đất ở phía tây bắc như Tân Bình, An Định, Ô Thị Dịch, Bành Nguyên, Lương quận, Phù Phong... Đi đến đâu cũng được dân chúng đem trâu, rượu ra tiếp đón.

Sau đó Lý Hanh chiếm lại được vùng Linh Vũ và tháng 7 ÂL và đóng ở đó. Đến ngày 12 tháng 8, quần thần dâng sớ nói rằng hiện vua (tức Huyền Tông) không biết ở đâu, trong nước không thể một ngày vô chủ, nên xin Thái tử lên ngôi. Lý Hanh thuận theo. Ngày Giáp Tí (tức 12 tháng 8), Thái tử xưng hoàng đế ở Linh Vũ, tức là Đường Túc Tông. Ông tôn vua cha Đường Huyền Tông làm Thái thượng hoàng[20]. Trong khi đó Thượng hoàng ở phía tây không biết chuyện ấy, đã ra lệnh phong ông làm Thiên hạ binh mã nguyên soái, Đô thống Sóc Phương, Hà Đông, Hà Bắc, Bình Lư đẳng tiết độ binh mã để chỉ huy việc khôi phục hai kinh. Đến giữa tháng 9, khi hay tin Túc Tông lên ngôi, Thượng Hoàng quyết định công nhận ngôi vị của ông, và truy phong cho Dương Quý Tần là Nguyên Hiến hoàng hậu. Về sau, để tránh bị nghi ngờ rằng mình và Túc Tông đang đối đầu nhau, Thượng hoàng đã hạ lệnh cho một số văn thần võ tướng như Vi Kiến Tố, Phòng Quản... được phép rời khỏi Thành Đô, đến Linh Vũ để phụng sự cho Túc Tông.

Sau đó, Túc Tông bổ nhiệm và thăng chức cho một số võ tướng để tập hợp thêm và phát triển lực lượng: Đỗ Hồng Trị làm Binh bộ lang trung, Thôi Y làm Lại bộ lang trung, Trung thư xá nhân; Ngự sử trung thừa Bùi Miện làm Trung thư thị lang, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự (Tể tướng); và sắc phong một số tướng lĩnh khác làm Tiết độ sứ các nước: Bành Nguyên Huy làm Lũng Hữu Tiết độ sứ; Lữ Sùng Bí làm Quan Nội Tiết Độ sứ, Thuận Hóa thái thú; Trần Thương huyện lệnh là Tiết Cảnh Tiên làm Thái thú Phù Phong; Quách Anh Nghệ làm Thái thú Thiên Thủy...

Chuẩn bị lực lượng và sự tranh chấp nội bộ

Ngay sau khi lên ngôi, Túc Tông được hai tướng Quách Tử NghiLý Quang Bật, vốn đang thắng thế trước quân Yên ở Hà Bắc ủng hộ. Ngày Nhâm Ngọ tháng 8 ÂL, Quách, Lý đem quân đại phá quân Yên ở Thường Sơn; sau đó dẫn 50.000 quân về hội với Túc Tông; do đó thực lực của nhà Đường nhanh chóng phục hồi. Ông bèn phong Lý Quang Bật làm Hộ bộ thượng thư bắc bộ lưu thú, kiêm Đông bình chương sự; Quách Tử Nghi làm Vũ bộ thượng thư. Đồng thời ông triệu ẩn sĩ Lý Bí, cũng là bạn cũ về triều, phong làm Tham mưu quân quốc nguyên soái phủ hành quan trưởng sử. Túc Tông thấy rằng người con trai thứ ba của mình là Kiến Ninh vương Lý Đàm có tài năng, muốn phong làm Đại nguyên soái, nắm quyền chỉ huy cao nhất trong quân. Nhưng Lý Bí cho rằng Kiến Ninh vương không phải con trưởng, nếu lập làm Nguyên soái sẽ khiến thiên hạ ủng hộ, sau này Túc Tông không muốn phong kiến Ninh vương làm thái tử cũng không được; sau đó khuyên ông nên phong chức Nguyên soái cho hoàng tử trưởng là Quảng Bình vương Lý Thục làm Nguyên soái. Túc Tông nghe theo, phong cho Quảng Bình Vương làm thiên hạ binh mã Đại nguyên soái, hai tướng Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật cùng quân đội của họ đều thuộc quyền thống lãnh của nguyên soái.[21].

Nội giám Lý Phụ Quốc liên kết với vợ Túc Tông là Trương phi, chuyên quyền trong triều. Lại thêm hoạn quan Biên Lệnh Thành vốn đầu hàng quân Yên, lúc đó cũng trở về. Lý Bí tâu với Túc Tông rằng Lệnh Thành là kẻ phản phúc. Túc Tông bèn hạ lệnh giết chết. Còn Hoàng hậu và Phụ Quốc chuyên quyền, Kiến Ninh vương nhiều lần tấu với Huyền Tông xin trừ đi. Trương Hoàng hậu tức giận, cùng Lý Phụ Quốc dâng sớ đàn hặc, vu cáo Kiến Ninh vương muốn giết Quảng Bình vương Lý Thục để tranh ngôi thái tử. Đầu năm 757, Túc Tông hạ lệnh ép Kiến Ninh vương phải uống rượu độc tự sát[22]. Quảng Bình vương do vậy cũng sinh ra lo sợ sẽ bị gièm pha, nên muốn giết chết Trương phi để trừ mối hậu họa, nhưng cuối cùng không dám ra tay.

Trong khi đó ở phía nam lại xảy ra cuộc nổi loạn của Vĩnh vương Lý Lân. Lúc Thượng hoàng còn tại vị đã phong cho người con trai thứ là Vĩnh vương Lý Lân đến trấn giữ phía nam. Khi Túc Tông lên ngôi, sai sứ đến Giang nam thủ dụ. Vĩnh vương cự tuyệt ứng chiếu và bắt đầu mưu tính tạo phản tranh ngôi, sau đó tự xưng hoàng đế. Nhưng chỉ chưa đầy mấy tháng, quân đội nhà Đường đã dẹp được cuộc nổi dậy này, Vĩnh vương bỏ trốn rồi bị giết.[23]

Thu hồi hai kinh

Cuối năm 756, hai nước Hồi Hột và Thổ Phiên cử sứ giả đến đề nghị cùng nhau phá quân Yên. Đáp lại, Túc Tông quyết định hòa thân với Hồi Hột, phong cho con gái Hồi Hột Khả hãn làm công chúa, từ đó hai nước kết minh, cùng nhau chống An, Sử. Cuối năm đó, Hồi Hột Khả hãn sai quân tiến vào lãnh thổ nhà Đường, hợp với Quách Tử Nghi đại phá quân Yến ở Đồng La.

Đầu năm 757, An Lộc Sơn bị con là An Khánh Tự giết chết[24]. Từ sau sự kiện này, nội bộ quân Yên li tán, thế lực cũng suy yếu hơn. Túc Tông quyết định nhân cơ hội này, tiến lên giành lại hai kinh đã mất. Tuy nhiên những cuộc tấn công của quân Đường vào nửa đầu năm này hầu hết chưa thu được kết quả.

Tháng 5 năm 757, Quách Tử Nghi giao chiến với quân Yên ở Thanh Cừ, nhưng do không có viện trợ nên nhanh chóng thất bại, phải rút về Vũ Công. Túc Tông được tin, sai điều thêm quân cho Quách Tử Nghi và Quảng Bình vương Lý Thục để tăng cường lực lượng. Đồng thời khi vua Hồi Hột sai con là Diệp Hộ sang giúp nhà Đường. Túc Tông giao hẹn với Hồi Hột rằng nếu ngày sau khôi phục Trường An thì tất cả của cải gắm vóc, Hồi Hột có thể tự ý chiếm lấy, do đó quân Hồi Hột rất hăng hái ra quân. Trong khi ở mặt trận phía tây, quân Đường nắm ưu thế hoàn toàn, dân chúng ở vùng Quan Trung liên tiếp nổi lên chống phá An Khánh Tự.

Mùa thu năm 757, khi lực lượng đã lớn mạnh, Túc Tông quyết định phản công toàn diện. Lý Bí đề ra kế sách rằng nên chiếm lấy Phạm Dương, sào huyệt của quân Yên trước thì mới có thể nhổ được tận gốc tai họa, nhưng Túc Tông lại nóng lòng muốn lấy lại hai kinh càng sớm càng tốt, nên không chấp nhận. Quyết định này của Túc Tông tuy giúp cho nhà Đường sớm thu phục lại hai kinh, nhưng cũng tạo điều kiện cho tướng Yên là Sử Tư Minh có thời gian tiếp tục củng cố lực lượng, lại trở thành mối đe dọa về sau.

Tháng 9 năm 757, Túc Tông sai Quảng Bình vương thống suất liên quân Sóc Phương, Nam Man, Hồi Hột,... tổng cộng 20 vạn, tiến về thành Trường An. Ngày Quý Mão, Quảng Bình vương thu phục lại Trường An rồi tiến sang Lạc Dương. Đến ngày 18 tháng 10, quân Đường tiếp tục đánh Lạc Dương, hoàn thành việc thu phục lại hai kinh.[25] Tuy nhiên quân Hồi Hột cậy vào lời hứa trước kia của Túc Tông, ra sức cướp bóc và giết chóc ở Lạc Dương.[26] Sau khi về Trường An, thấy cung thất tiêu điều tan hoang, Túc Tông khóc ở trước cửa miếu ba ngày, rồi chuyển sang cung Đại Minh.

Sau đó Túc Tông sai sứ đến đón Thượng hoàng về kinh, lại dâng sớ xin trả lại ngôi vua cho Thượng hoàng, còn mình thì quay về Đông cung. Nhưng Lý Bí khuyên can rằng làm như vậy sẽ khiến Thượng hoàng sinh lòng lo ngại, nên Túc Tông bỏ qua không nhắc tới việc trả ngôi nữa. Sau đó ông sai 3000 tinh kị đến Phù Phong để hộ vệ cho Thượng hoàng. Người đời sau thường lây việc này chê trách Túc Tông thân làm con mà lại dùng nhiều binh mã để trấn áp cha. Đến đầu năm 758, Túc Tông đích thân đến Hàm Dương cung nghênh đón Thượng hoàng, sau đó yết kiến Thượng hoàng ở Nam Lâu.

Ngày 16 tháng 1 năm 758, Thượng hoàng về tới kinh đô[27]. Túc Tông suất quần thần nghênh đón, trong buổi lễ cố tình mặc đồ màu tía, ý muốn trả lại ngôi vua. Thượng hoàng sai lấy hoàng bào mặc lại cho Túc Tông và không muốn nhận lại ngôi nữa, sau đó chuyển sang sống ở điện Hưng Khánh.

Sau đó Túc Tông sai xét tội những người bỏ trốn theo An Lộc Sơn trước kia. Thượng hoàng cho rằng trong số đó có nhiều người chưa đáng tội chết, hơn nữa lại có thể làm nhiều kẻ phản bội khác càng quyết chí theo giặc. Túc Tông vâng theo, bèn phân những người phản bội làm 6 bậc mà phân xử nặng nhẹ khác nhau. Nhưng ông muốn tha cho hai con của Trương Duyệt là Trương QuânTrương Tự do nhớ đến ơn Trương Duyệt giúp mình khi còn trong bụng mẹ. Nhưng việc này bị Thượng hoàng phản đối vì Thượng hoàng ghét chúng bỏ mình đi theo quân Yên khi xưa. Cuối cùng Túc Tông sai tha cho Trương Tự (đang là phò mã) và giết Trương Quân. Không lâu sau, ông lập Trương phi làm Hoàng hậu và Quảng Bình vương Lý Thục làm Hoàng thái tử, đổi tên ông ta là Lý Dự.

Đối phó quân Sử

"Chào đón Hoàng đế tại Wangxian" 望 賢 迎, có lẽ là một bức tranh thế kỷ 13, chi tiết về Đường Túc Tông.

Trong khi đó, nội tình quân Yên có sự chia rẽ. Sau khi giết cha đoạt ngôi, An Khánh Tự còn muốn tiêu diệt người bạn thân của An Lộc SơnSử Tư Minh. Thấy tình thế bất lợi, cuối năm 757, Sử Tư Minh quyết định đem 8 vạn quân và 13 quận ở Hà Bắc đầu hàng nhà Đường. Túc Tông vui mừng, hạ chiếu phong Tư Minh làm Quy Nghĩa vương, kiêm Tiết độ sứ Phạm Dương[28], chức mà An Lộc Sơn từng giữ trước khi tạo phản. Sử Tư Minh ở Phạm Dương cũng bắt đầu khuếch trương thanh thế, thực lực trở nên không thua kém An Lộc Sơn khi trước. Túc Tông thấy thế rất lo ngại, bèn sai Ô Thừa Ân đến Phạm Dương hỗ trợ Tư Minh, nhưng thực chất là tìm cơ hội để sát hại ông ta. Khi sự việc bị phát giác, Sử Tư Minh lập tức dùng kế lừa bắt sống Ô Thừa Ân và giết chết. Sau đó Tư Minh tìm ra trong người Ô Thừa Ân có mật chiếu của Túc Tông và thư của Lý Quang Bật ra lệnh trừ khử mình, bèn nổi cơn thịnh nộ, chiêu tập tướng sĩ và tuyên bố phản Đường, tự xưng Đại thánh Yên vương.

Trong khi đó, tháng 9 năm 758, Đường Túc Tông tập hợp chín vị Tiết độ sứ[29] tấn công An Khánh Tự ở Vệ châu[30], cử hoạn quan Ngư Triều Ân (người cùng phe với Lý Phụ Quốc) làm Nguyên soái thống lĩnh. Quân Đường đánh bại quân An ở Vệ châu, buộc An Khánh Tự tháo chạy về Nghiệp Thành. Quân Đường đuổi theo bao vây Nghiệp Thành.

Mùa đông năm 758, Tiết độ sứ Bình Lư[31]Vương Huyền Chí qua đời. Túc Tông sai sứ đến trấn Bình Lư tìm người kế nhiệm Huyền Chí. Lý Hoài Ngọc ở Bình Lư sợ rằng con trai Huyền Chí sẽ được lập làm tiết độ sứ, bèn giết người ấy đi, cùng quân trong trấn ủng hộ anh họ mình là Hầu Hi Dật lĩnh quân vụ. Trước tình hình đó, Túc Tông sai sứ sắc phong Hầu Hi Dật là tiết độ phó sứ, rồi Tiết độ sứ ở Bình Lư. Sử gia Tư Mã Quang trong Tư trị thông giám chê trách việc làm này và cho rằng nó thể hiện sự bất lực của triều đình và đánh dấu sự bắt đầu trỗi dậy của phiên trấn về sau[32].

Đầu năm 759, Sử Tư Minh đem quân cứu An Khánh Tự ở Nghiệp Thành. Tháng 3 năm đó, 600.000 quân Đường lại kéo sang giao chiến với 50.000 quân của Sử Tư Minh, nhưng lại bị đánh bại tan tác. Sử Tư Minh thừa cơ tràn quân đánh vào doanh trại nhà Đường, giải vây được cho Nghiệp Thành. Quách Tử Nghi phải rút quân về Hà Dương. Sau trận này, Túc Tông cho triệu Quách Tử Nghi về triều và bãi chức. Cùng lúc đó, Sử Tư Minh tiến vào thành, kể tội và giết chết An Khánh Tự[33]. Sau đó, Sử Tư Minh xưng Yên đế.

Túc Tông lại phong cho con trai thứ là Triệu vương Lý Hệ làm Thiên hạ binh mã Nguyên soái, Lý Quang Bật làm Thái úy kiêm trung thư lệnh, Tiết độ sứ Sóc Phương thay cho Quách Tử Nghi vào mùa thu năm 759. Sau khi Lý Quang Bật đến Lạc Dương, Sử Tư Minh rầm rộ kéo quân tiến đánh. Lý Quang Bật phải rút quân về Hà Dương, nhiều lần đánh bại được quân Yên truy kích[34]. Tuy nhiên sau đó Túc Tông nghe lời gièm pha của hoạn quan Ngư Triều Ân, ép Lý Quang Bật phải sớm thu phục lại Lạc Dương. Lý Quang Bật cho rằng thời cơ chưa tới, nhưng Túc Tông lại nóng lòng, bèn cử Ngư Triều Ân ra thay thống lĩnh quân đội. Kết quả năm 761, Ngư Triều Ân hại nhà Đường bị thua một trận lớn trước quân Yên ở Mang Sơn. Nhưng Túc Tông lại đổ hết tội lỗi cho Lý Quang Bật, tước hết binh quyền của ông ta. Sau trận này, Sử Tư Minh chiếm được Lạc Dương, phân đôi thiên hạ với nhà Đường. Túc Tông phải sai điều quân về giữ kinh đô Trường An để phòng quân Sử tấn công lần nữa.

Tuy nhiên cùng năm 761, Sử Tư Minh bị con là Sử Triều Nghĩa giết hại. Nội bộ quân Sử xảy ra tranh chấp và tàn sát, nhiều bộ tướng cũ của Sử Tư Minh quay lưng với Sử Triều Nghĩa, về hàng nhà Đường. Tuy nhiên cho tận sau khi Túc Tông qua đời, nhà Đường vẫn chưa thể khôi phục lại kinh đô Lạc Dương. Loạn An Sử còn kéo dài đến tận năm 764, thời Đường Đại Tông mới bị dẹp yên.

Hoàng hậu, hoạn quan lộng hành

Tháng 3 năm 759, triều đình hội nghị, quyết định phong cho Trương Hoàng hậu tôn hiệu Phụ Thánh[33]. Đại thần Lý Quỹ lên tiếng phản đối vì trước đây chưa có tiền lệ phong tôn hiệu cho Hoàng hậu. Sau đó trong nước có nguyệt thực, Túc Tông bèn bỏ ý định này. Tuy nhiên lúc đó trong cung cấm, Trương Hoàng hậu cũng đã liên kết với hoạn quan Lý Phụ Quốc, hoành hành cung cấm, can dự triều chính và có âm mưu phế lập thái tử, tạo thành một thế lực mới trong triều.

Vào năm 760, quân Đảng Hạng và tộc Khương thường xâm lấn vùng biên, uy hiếp kinh kì, Túc Tông phân các châu Bân Ninh tiết độ làm Phu Phường, Đan Diên tiết độ, lấy Bân châu thứ sử Tang Như Khuê thống lĩnh Bân châu, Phu châu thứ sử Đỗ Miễn làm Phu Phường tiết độ phó sứ, phân quân thảo phạt; lại dùng Quách Tử Nghi làm Lưỡng Đạo tiết độ sứ, lấy uy danh của ông này để trấn áp quân Khương. Tháng 4 năm này, con trai Trương hoàng hậu là Hưng vương Thiệu hoăng, tặng Cung Ý thái tử. Hậu có ý lật đổ thái tử Lý Dự muốn cho Thiệu làm thái tử, khiến thái tử lo lắng. Đến khi Thiệu chết thì ngôi thái tử mới định[35].

Đến khi Lý Hiện được phong làm Tể tướng, lại dâng tấu tố cáo Lý Phụ Quốc chuyên quyền nhưng Túc Tông không nghe. Do sự việc này, Lý Phụ Quốc oán hận Lý Hiện, sau đó sau gièm pha và bãi chức ông ta. Năm 760, hoạn quan Hình Diên Ân tố cáo tướng Lưu Triển không tuân lệnh triều đình và có mưu đồ tạo phản, Túc Tông tìm cách giết chết Lưu Triển. Lưu Triển hay tin, bèn nổi loạn chống Đường, kiểm soát được khu vực sông Dương Tử, nhưng sau đó bị tướng Điền Thần Công đánh bại.

Lý Phụ Quốc và Trương Hoàng hậu ngày một ngang ngược hống hách trong triều, lại nắm được binh quyền ở kinh đô, nên Túc Tông cũng phải e dè. Nạn hoạn quan lộng quyền nửa cuối thời Đường được khơi nguồn từ đó. Thấy Thượng hoàng ở điện Hưng Khánh vẫn được người dân kính trọng, Lý Phụ Quốc gièm pha với Túc Tông rằng Thượng hoàng muốn trở lại làm vua, xin dời Thượng hoàng ra nơi khác. Túc Tông không nghe. Mãi đến tháng 7 ÂL năm 760, Túc Tông bị bệnh không xuống giường được; Phụ Quốc giả lệnh vua, mời Thượng hoàng ra Tây Nội, rồi giam lỏng thượng hoàng ở đây, sau đó còn lưu đày những người thân tín của Thượng hoàng, trong đó có hoạn quan Cao Lực Sĩ và tướng Trần Huyền Lễ[36], sau đó mới báo với Túc Tông. Hình bộ thượng thư Nhan Chân Khanh dâng biểu xin Túc Tông đến thăm nơi ở của Thượng hoàng, nên bị Phụ Quốc đày đi Bồng châu.

Từ khi Thượng hoàng dời ra Tây Nội, bị Lý Phụ Quốc bức bách luôn. Túc Tông muốn vào thăm Thượng hoàng, nhưng còn sợ Trương hậu, cho đến ngày Đông chí, Túc Tông mới vào Tây Nội thăm Thượng hoàng. Vào tháng 8 ÂL năm 761, Túc Tông mở tiệc trong cung khoản đãi Lý Phụ Quốc. Phụ Quốc muốn cầu làm tể tướng, sai Bùi Miện tiến cử. Túc Tông hỏi ý tể tướng Tiêu Hoa, Hoa can là không nên và Túc Tông nghe theo. Vì thế Phụ Quốc oán Hoa.

Đầu năm 762, có chiếu truy tôn cố Tĩnh Đức thái tử Tông là Phụng Thiên hoàng đế, vợ là Đậu phi là Cung Ứng hoàng hậu, hợp táng Tề lăng. Trong lúc này Sử Tư Minh bị con là Sử Triều Nghĩa giết chết, quốc lực Đại Yên lại suy yếu, quân Đường mở liên tiếp các cuộc tấn công thu phục đất đai và giành nhiều thắng lợi, nhưng loạn An Sử vẫn kéo dài đến năm 764 mới chấm dứt. Túc Tông hạ chiếu lập ngũ đô: Kinh Triệu là Thượng đô, Hà Nam là Đông Đô, Phượng Tường là Tây Đô, Giang Lăng Nam Đô, Thái Nguyên là Bắc đô. Cũng năm này, Lý Phụ Quốc tố cáo Tiêu Hoa chuyên quyền và muốn phế tướng vị. Túc Tông đành phải nghe theo, giáng Tiêu Hoa làm Lễ bộ thượng thư, phong Kinh Triệu doãn Nguyên Tái làm Tể tướng thay cho Tiêu Hoa.[37].

Qua đời

Đầu năm 762, Túc Tông bị bệnh nặng, nằm liệt giường không thể dậy nổi; và cũng không thể ra coi triều. Mùa xuân cùng năm, khi Quách Tử Nghi vào triều kiến không gặp được Túc Tông, nên tỏ ra buồn phiền. Túc Tông bèn triệu Quách Tử Nghi vào điện, dùng lời yên ủy và ủy thác công việc ở Hà Đông cho Quách Tử Nghi[38].

Ngày 3 tháng 5 năm 762, Thượng hoàng Huyền Tông mất ở điện Thần Long. Lúc đó Túc Tông có bệnh trong người, không thể đến điếu tang, bèn để tang trong nội điện. Cũng vì cái chết của Thượng hoàng, Túc Tông vì đau buồn mà trở bệnh nặng, bèn cho thái tử Lý Dự giám quốc. Lúc này, Trương hoàng hậuLý Phụ Quốc sinh ra mâu thuẫn và trở mặt với nhau. Lúc Túc Tông bệnh nặng, Trương Hoàng hậu bàn với Thái tử nên giết chết Lý Phụ QuốcTrình Nguyên Chấn chuyên quyền, nhưng thái tử không chấp nhận. Hoàng hậu thấy thế, bèn chuyển sang ủng hộ hoàng tử thứ 2 là Việt vương Lý Hệ; và cho tuyển hơn 200 dũng sĩ, giả làm hoạn quan, bố trí trong cung. Ngày 14 tháng 5, Trương hậu giả lệnh Túc Tông, triệu thái tử vào cung để bí mật giết đi, đưa Việt vương lên ngôi. Trình Nguyên ChấnLý Phụ Quốc hay tin, bèn báo cho Thái tử biết, rồi nhân đêm tối dẫn binh vào điện, bắt Trương hoàng hậu cùng Việt vương Lý Hệ. Thái tử sai giam Hoàng hậu ở biệt điện.

Túc Tông lúc đó ở điện Trường Sinh, cung nhân và hoạn quan nghe tin trong cung có biến động, bỏ chạy tứ tán, để lại ông nằm trên giường. Ngày 16 tháng 5 năm 762, Túc Tông qua đời, hưởng thọ 52 tuổi, làm vua được 6 năm. Truy tôn miếu hiệu Túc Tông, thụy hiệu là Văn Minh Võ Đức Đại thánh Đại Tuyên Hiếu hoàng đế (文明武德大聖大宣孝皇帝)

Sau khi Túc Tông mất, Lý Phụ Quốc giết Trương hoàng hậu cùng hai hoàng tử Lý Hệ, Lý Giản. Hôm sau mới bắt đầu phát tang Túc Tông ở điện Lưỡng Nghi. Ngày 18 tháng 5, Đông cung Hoàng thái tử Lý Dự nối ngôi, tức là Đường Đại Tông.[38]